Hội chứng tiền kinh nguyệt là tập hợp những dấu hiệu thể chất xuất hiện đều đặn khoảng 1 tuần trước kỳ kinh nguyệt

Chứng chỉ kinh nguyệt là gì?

Khi nghe tới Hội chứng tiền kinh nguyệt (Premenstrual Syndrome), chắc bạn bật lên ngay trong đầu hình ảnh stereotype về những ngày trướng bụng, đau lưng, cáu kỉnh, chẳng có cái gì đúng kế hoạch, và cơ bản là không thể làm gì ngoài vừa ôm bụng đắp chăn, vừa ăn nguyên một hộp kem và cày hết mấy season Emily in Paris.

Bạn không cô đơn trong những trải nghiệm hàng tháng đó. Trong một khảo sát của Cocmau với 322 bạn, 87% người tham gia khẳng định sự tồn tại của các triệu chứng về thể chất, trong khi tới 93% nói rằng triệu chứng cảm xúc và tinh thất cũng rất rõ rệt. Cú đánh võng của tâm trạng không phải chỉ trong đầu bạn đâu.

Thế nhưng, những stereotype trên không phản ánh đầy đủ phổ rộng lớn của PMS, trải đều từ những bất tiện nho nhỏ cho tới đau đớn cản trở việc đi học, đi làm. Trải nghiệm cùng với mức độ nghiêm trọng của PMS có thể cực kỳ khác nhau từ người này sang người khác.

Thế thật sự PMS là gì?

Hội chứng tiền kinh nguyệt (Premenstrual Syndrome) là sự lặp đi lặp lại của một nhóm những triệu chứng về cảm xúc, tinh thần và thể chất vào khoảng một hoặc hai tuần liền trước kỳ hành kinh. Các triệu chứng có thể kéo dài tới một vài ngày đầu của kỳ kinh.

Thế nhưng, việc bạn trải nghiệm các triệu chứng tiền kinh nguyệt không có nghĩa là bạn có Hội chứng tiền kinh nguyệt. Một người được bác sĩ chẩn đoán là mắc Hội chứng Tiền kinh nguyệt cần thoả mãn 3 điều kiện:

  • Các triệu chứng xuất hiện một tuần trước khi kỳ kinh nguyệt tới
  • Các triệu chứng kết thúc 4-5 ngày sau khi kỳ kinh bắt đầu
  • Và quan trọng nhất: chúng ảnh hưởng tới những hoạt động thường ngày

Bác sĩ sẽ cân nhắc số lượng, loại hình, và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mới có thể đưa ra chẩn đoán chính thức về PMS.

Chỉ khoảng 2%-6% người có kinh nguyệt gặp các triệu chứng nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng tới khả năng làm việc và cuộc sống thường ngày. Trường hợp nặng hơn của PMS này được gọi là PMDD (Premenstrual Dysphoric Disorder) – Hội chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt.

Nguyên nhân gây ra PMS?

Dù PMS rất phổ biến, tới nay, chúng ta vẫn chưa đồng ý được với nhau về nguyên nhân thực sự của nó.

Một số giả thuyết cho rằng đó là do sự đảo chiều hormone tự nhiên, khi oestrogen sụt giảm vào khoảng thời gian sau rụng trứng, dẫn đến serotonin sụt giảm theo. Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò điều tiết giấc ngủ, tâm trạng và sự ngon miệng, và sự thiếu vắng nó dẫn đến các triệu chứng PMS.

Một số giả thuyết khác cho rằng không phải progesterone (hormone chiếm vị trí độc tôn vào kỳ hoàng thể) gây ra PMS, mà do sự mất cân bằng giữa progesterone và oestrogen dẫn đến các triệu chứng này. Đồng thời, các nhà khoa học khác lại giải thích PMS dựa vào mức độ nhạy cảm với nội tiết tố, hoặc cơ địa hóa thần kinh của mỗi người.

Trường hợp PMS và PMDD nghiêm trọng rất hiếm, nhưng nếu có, thường là dấu hiệu bề mặt của bệnh nền. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu PMS ảnh hưởng tới hoạt động thường ngày của bạn.

PMS trông như thế nào?

Danh sách triệu chứng tiền kinh nguyệt chứa tới hơn 200 gạch đầu dòng. Điều quan trọng nhất bạn cần biết là triệu chứng cùng mức độ PMS ở mỗi người có thể hoàn toàn khác nhau. Trong số đó, phổ biến nhất là những triệu chứng về:

Thể chất

  • Trướng bụng
  • Tăng cân
  • Căng tức ngực
  • Thèm ăn
  • Phù tay/chân
  • Đau đầu
  • Đau người
  • Vấn đề về da
  • Rối loạn tiêu hoá
  • Tiêu chảy / táo bón
  • Đau bụng dưới
  • Da đổ dầu
  • Mụn, mẩn đỏ, hoặc các triệu chứng về da khác

Tâm trạng / Tinh thần

  • Tâm trạng thất thường
  • Xuống tâm trạng
  • Lo âu
  • Buồn bã
  • Cáu gắt hoặc dễ tức giận
  • Dễ khóc
  • Dễ mất tập trung
  • Tách rời khỏi đám đông
  • Bối rối, vụng về
  • Giảm cảm hứng tình dục
  • Mất ngủ, trằn trọc, ngủ không ngon

Đồ uống có cồn, thuốc lá, stress và trầm cảm đều là những nguyên nhân khiến cho các triệu chứng PMS trở nên khó chịu hơn. PMS cũng có tính di truyền: nếu trong gia đình có người bị PMS nặng, bạn sẽ có khả năng trải nghiệm PMS cao hơn.

Chung sống với PMS

Đừng đổ mọi lỗi cho PMS. Cuộc sống có những khi làm bạn thấy high và cũng có khi xuống thấp, đó đã là quy luật tự nhiên. Chúng ta không nên rơi vào tâm lý y tế hoá những thay đổi thông thường của cuộc sống.

Vì thế, cách tốt nhất để chung sống với PMS là tìm ra khuôn mẫu triệu chứng của riêng bạn. Bạn có thể chuẩn bị để xoa dịu chúng bằng nhiều cách, cả tự nhiên và cả bằng dược liệu. Giới y học có thể chưa hiểu hoàn toàn về PMS và phụ nữ, nhưng bạn thì biết rõ nhất liệu pháp nào có ích cho cơ thể bạn. Dựa vào mức năng lượng ở các thời điểm khác nhau trong chu kỳ, bạn có thể lên kế hoạch hoạt động xã hội cho phù hợp. Thêm một cách nữa để đối xử tốt với sức khoẻ của bạn, đúng không nào?

Quay lại blog

Để lại bình luận

Xin lưu ý, bình luận cần được phê duyệt trước khi được đăng.