Xử lý sự cố: Cốc nguyệt san tràn hoặc rò rỉ

Xử lý sự cố: Cốc nguyệt san tràn hoặc rò rỉ

Rò rỉ… động từ 2 âm tiết mà không một ai muốn xảy ra với mình. Thế nhưng, hãy yên tâm rằng hầu hết nguyên nhân cốc nguyệt san rò rỉ đều có giải pháp.

Trong vài kỳ kinh đầu tiên, rò rỉ không phải là việc hiếm gặp. Hãy thong thả cho bản thân chút thời gian làm quen với cốc, thử nghiệm với các cách gập cốc cũng như tư thế khác nhau để đưa cốc vào. Và tất nhiên, đừng quên lót bằng miếng băng vệ sinh hàng ngày, băng vệ sinh vải hoặc quần lót nguyệt san, cho đến khi bạn tự tin là đã làm chủ kỹ năng đeo cốc.

Một khi bạn đã hiểu rõ cấu tạo cơ thể dưới đó, đồng thời tìm được giải pháp hiệu quả với cơ địa của mình, bạn có thể tận hưởng cảm giác đến kỳ cũng như không. Chào mừng đến với thiên đường kinh nguyệt.

Dưới đây là những nguyên nhân cốc nguyệt san rò rỉ và gợi ý để bạn xử lý chúng:

1. Miệng cốc chưa bung mở hết

Nguyên nhân số một khiến cốc nguyệt san rò rỉ là do miệng cốc chưa mở ra tròn trịa, và do đó chưa tạo được giác hút kín, chắc chắn với thành âm đạo. Để đảm bảo cốc đã mở ra:

  1. Hãy dùng một ngón tay di quanh bầu cốc, xem có chỗ nào bị móp lại không.
  2. Đôi khi bầu cốc đã bung ra tròn trịa, nhưng vành miệng cốc gập lại do vướng vào cổ tử cung hoặc thành âm đạo của bạn. Sau khi đặt cốc vào trong, hãy cầm lấy bầu cốc, xoay trọn một vòng 360 độ để tránh tình trạng này.
  3. Với một số loại cốc mềm, bạn có thể dùng phần thịt của ngón tay ấn nhẹ vào thành âm đạo, hướng ra ngoài, xung quanh vị trí miệng cốc để tạo không gian cho cốc bung mở. Bạn sẽ biết cốc mềm khi gập cốc lại và thả tay ra, tiếng bật của cốc trầm chứ không đanh.
  4. Đôi khi, xương mu có thể ảnh hưởng tới vị trí đặt cốc. Phần xương cứng bên ngoài bộ phận sinh dục chính là xương mu. Hãy đảm bảo bạn đặt cốc vào đủ sâu, vượt qua xương mu, vào trong khoang âm đạo. Bên trong khoang âm đạo giãn nở linh hoạt hơn phía ngoài âm môn nhỏ hẹp, cốc sẽ dễ bung ra hơn đấy!
  5. Khi bạn kéo nhẹ mà cốc không di chuyển, giác bám của cốc đã chắc chắn rồi đấy. Nếu bạn thấy chỉ kéo nhẹ mà cốc dễ bị tụt xuống, tốt nhất là lấy cốc ra và đeo lại với một cách gập + tư thế khác.

Chúng mình sẽ khuyến nghị cách bạn gấp cốc hình môi âm (Labia) – cách gập cực dễ bung mở. Nếu bạn thử cách chữ V, đừng ấn vành miệng cốc xuống quá sâu nhé!

2. Miệng cốc vượt cao hơn cổ tử cung

Cốc nguyệt san không cần phải nằm sâu tít vào trong mới hoạt động được. Miệng cốc cần nằm bên dưới, bao xung quanh cổ tử cung của bạn, để hứng dòng kinh nguyệt do cổ tử cung đẩy ra qua một lỗ nhỏ xíu ở giữa.

Dịch kinh nguyệt chảy từ tử cung, qua cổ tử cung, vào trong âm đạo rồi được cốc hứng lại. Nếu bạn đặt cốc quá cao và miệng cốc vượt khỏi cổ tử cung, cốc không thể làm tròn nhiệm vụ hứng dòng kinh nguyệt.

Để giải quyết việc này, bạn chỉ cần kéo cốc xuống thấp gần cửa mình hơn một chút. Chúng mình cũng sẽ luôn khuyến nghị bạn xác định vị trí cổ tử cung, sau đó đặt cốc nguyệt san thấp hơn vị trí cổ tử cung là sẽ giải quyết được hiện tượng rò rỉ.

Khi nhắc đến độ cao của cổ tử cung, chúng mình nói tới vị trí cổ tử cung nằm sâu bao nhiêu trong âm đạo. Cổ tử cung của bạn có thể rút lên cao hoặc hạ xuống thấp, tuỳ vào thời điểm trong chu kỳ. Vì vậy, bạn nên đo độ cao cổ tử cung vào ngày đầu và ngày cuối của kỳ kinh, sau đó lấy số đo thấp hơn.

Cách tìm (và cảm nhận) cổ tử cung của bạn

Nếu cổ tử cung ở vị trí thấp, hãy lựa sao cho cổ tử cung lọt vào bên trong chiếc cốc. Bạn có thể làm việc này bằng cách để cốc bung mở ra ở vị trí thấp trong âm đạo, rồi mới đẩy nốt phần còn lại của cốc vào trong.

3. Cốc nguyệt san quá đầy nên bị tràn

Nếu thấy rò rỉ và tháo cốc ra, bạn thấy cốc đã đầy đến miệng, hãy tháo cốc thường xuyên hơn một chút. Khi dịch kinh nguyệt quá đầy và bít kín lỗ thoáng khí, kinh nguyệt có thể tìm cách vượt qua giác hút của cốc và rỉ ra ngoài.

4. Góc đặt cốc rất quan trọng!

Cốc đã bung ra, nằm bên dưới cổ tử cung, và bạn mới chỉ đeo cốc một lúc nên chưa thể đầy, nhưng bạn vẫn thấy rò rỉ? Có thể là cốc chệch đi một chút khỏi hướng của cổ tử cung mà thôi.

Khi đưa cốc vào, đừng đẩy cốc hướng thẳng đứng lên trên. Hãy đặt cốc nằm song song với mặt đất, và đẩy cốc chếch về phía xương cụt của bạn. Vì sao ư? m đạo ngả ra phía sau lưng khoảng 45 độ với cổ tử cung “ngự” ở cuối, chứ không phải là một chiếc ống thẳng đứng đâu.

5. Lỗ thoáng khí bị bít kín

Lỗ thoáng khí thông thoáng sẽ giúp cốc tạo giác hút chắc chắn hơn, đồng thời dễ dàng phá vỡ giác hút khi tháo cốc. Nếu kinh nguyệt quá đầy và bít kín lỗ thoáng khí, kinh nguyệt có thể tìm cách vượt qua giác hút và tràn ra ngoài. Để rửa sạch lỗ thoáng khí, hãy đổ nước đầy đến miệng cốc, úp kín bằng lòng bàn tay, rồi lộn ngược cốc lại, bóp cho dòng nước phun qua và thông sạch lỗ.

6. Đi vệ sinh / Nhu động ruột

Đúng vậy! 💩 là chủ đề yêu thích của bất kỳ bạn nào chưa qua 5 tuổi – đồng thời là một nguyên nhân ảnh hưởng tới vị trí đặt cốc của bạn. Trong kỳ kinh, hoóc-môn prostaglandins tạo ra các cơn co thắt ở tử cung, giúp đẩy lớp niêm mạc lót trong ra ngoài tạo thành máu kinh. Đôi khi sự tác động này quá mạnh mẽ và ảnh hưởng tới các cấu trúc xung quanh, tạo thành đau bụng kinh, khiến cho trực tràng của bạn co thắt theo và khiến bạn bị tiêu chảy hoặc táo bón (hãy dành một phút hình dung những gì phụ nữ trải qua hàng tháng). Những cơn co thắt này đôi khi có thể làm bung giác hút của cốc, đặc biệt là sau khi bạn đi vệ sinh. Nếu cốc bị tuột xuống thấp, hãy đẩy cho cốc trở lại vị trí chắc chắn hơn sau khi đi vệ sinh, và tiếp tục ngày của bạn nhé!

7. Cổ tử cung thấp

Nếu bạn có cổ tử cung thấp, cổ tử cung sẽ nhúng vào trong và lấy đi một phần dung tích của cốc. Vì vậy, có thể bạn sẽ thấy tràn nhưng khi tháo ra, cốc mới đầy đến một nửa. Trong trường hợp này, bạn chỉ cần tháo cốc thường xuyên hơn một chút mà thôi.

8. Rò rỉ “giả”

Rò rỉ mà cũng có thật và giả ư? Đúng đó! Nếu bạn thấy một vài đốm kinh nguyệt trên quần lót sau vài giờ đeo cốc, các đốm này có thể hồng nhạt hơn kinh nguyệt bình thường. Đó là lượng kinh nguyệt vương bên ngoài thành cốc khi bạn đeo cốc xong, sau một lúc mới hoà với dịch tiết âm đạo và chảy ra ngoài. Nếu bạn thường xuyên gặp tình trạng này, hãy dùng giấy vệ sinh lau và thấm bên ngoài âm môn sau khi đặt cốc vào vị trí.

9. Cơ sàn chậu yếu

Nếu bạn đã loại trừ tất cả các lý do trên mà vẫn không tìm được nguyên nhân cốc nguyệt san rò rỉ, khả năng cuối cùng là cơ sàn chậu hơi “lỏng lẻo” một chút. Đừng lo lắng! Hiện tượng này phổ biến đến mức cứ 4 phụ nữ thì có 1 người bị ảnh hưởng vùng cơ sàn chậu, bởi muôn vàn lý do: hỗ trợ trọng lượng của thai nhi, sinh nở, táo bón kinh niên, ho kinh niên, hoặc mức độ estrogen sụt giảm thời kì tiền mãn kinh. Tin tốt lành là cũng như mọi bó cơ khác, bạn có thể củng cố cho cơ sàn chậu khoẻ và dẻo dai hơn, thông qua yoga, bơi lội hoặc pilates. Bài tập kegel cho cơ sàn chậu cũng dễ đến mức có thể bạn đang co thắt nó ngay khi đọc tới đây, khi lái xe, hay làm việc nhà đấy.

Cocmau hy vọng bạn đã tìm thấy câu trả lời cho vấn đề chiếc cốc nguyệt san của bạn bị tràn hoặc rò rỉ. Bạn vẫn còn thắc mắc? Hãy để lại comment hoặc trò chuyện với chúng mình để nhận lời khuyên cụ thể cho cơ địa của bạn!

Quay lại blog

Để lại bình luận

Xin lưu ý, bình luận cần được phê duyệt trước khi được đăng.