Kinh nguyệt không đều trong tuổi dậy thì là hiện tượng bình thường và không đáng để bạn lo lắng. Tuy nhiên có một số tình trạng kinh nguyệt thất thường mà bạn cần check-up với bác sĩ càng sớm càng tốt.
Làm sao mình biết kỳ kinh nguyệt sắp đến?
Dấu hiệu kỳ kinh sắp đến là cơ thể bạn xuất hiện lông nách và lông mu. Nếu bạn thấy mầm ngực nhú, kinh nguyệt sẽ debut khoảng 2-3 năm sau đó. Độ tuổi bắt đầu kinh nguyệt trung bình là 12 tuổi, nhưng nó cũng có thể đến sớm hơn, từ khi lên 8.
Có kinh nguyệt nghĩa là bạn đã bước vào độ tuổi sinh sản và bắt đầu có khả năng có thai. Lúc đầu, trông máu kinh có vẻ đáng sợ. Nhưng đó là dấu hiệu cơ thể bạn đang khoẻ mạnh và làm đúng chức năng của nó. Chúng mình cảm thấy việc này rất đáng để ăn mừng!
Liên quan: Dấu hiệu của tuổi dậy thì là gì? Khi nào có kỳ kinh nguyệt đầu tiên?
Kỳ kinh nguyệt đầu tiên trông như thế nào?
Kỳ kinh nguyệt đầu tiên thường không kéo dài và chỉ có một xíu máu kinh. Ở kỳ kinh thứ hai, bạn sẽ thấy nhiều máu kinh hơn. Cơ thể bạn cần một thời gian để thiết lập chu kỳ kinh nguyệt ổn định. Khi đó, bạn sẽ thấy kì kinh kéo dài khoảng 2-7 ngày, xuất hiện mỗi 21-45 ngày, với lượng kinh nguyệt đều nhau từ chu kỳ này qua chu kỳ khác.
Tính từ kỳ kinh đầu tiên, chu kỳ của bạn cần khoảng 6 năm để trở nên đều đặn giống như người trưởng thành, cách nhau khoảng 24-38 ngày.
Mặc dù trông có vẻ nhiều, mỗi kỳ kinh bạn chỉ mất khoảng 30-72 ml máu kinh (bằng 1-5 muỗng canh). Máu kinh cũng không ào ra như thác nước! Khả năng là bạn sẽ thấy một vệt nâu đỏ trên quần hoặc trên ga trải giường, khi bạn thức dậy vào một buổi sáng đẹp trời.
Liên quan: Thế nào là kỳ kinh nguyệt khoẻ mạnh?
Vì sao kinh nguyệt không đều trong tuổi dậy thì?
Để bạn có kỳ kinh, cơ thể phải thiết lập một hệ thống liên lạc phức tạp bên trong, với các hormone là sứ giả truyền tin. Trong máu bạn, lúc này đang có hơn 100 hormone chạy qua chạy lại như mắc cửi. Chúng tạo kênh giao tiếp giữa não bộ, buồng trứng và tử cung của bạn.
Trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, não bộ gửi tín hiệu hormone cho buồng trứng, kích thích một tế bào trứng chín và giải phóng nó. Đây là sự rụng trứng. Đồng thời, tử cung nhận tín hiệu để làm dày lên lớp mô nội mạc lót trong.
Nếu bạn có rụng trứng, não bộ sẽ phát ra tín hiệu để tử cung co bóp và đào thải nội mạc. Vì vậy kỳ kinh luôn đến sau rụng trứng khoảng 14 ngày.
Trong vài năm đầu hành kinh, các hormone chưa tiết ra đều đặn, đôi khi không đủ để kích thích tế bào trứng rụng. Việc này dẫn đến kỳ kinh nguyệt xuất hiện thất thường.
Ở năm đầu tiên hành kinh, trung bình cứ 10 chu kỳ thì chỉ có 2 chu kỳ có trứng rụng. Tới năm thứ 6, cứ 10 chu kỳ thì 9 chu kỳ có trứng rụng. Từ năm thứ 6 trở đi, bạn sẽ thấy kỳ kinh nguyệt đều đặn “như người lớn”.
Thế nên hãy kiên nhẫn một chút và đừng quá lo lắng về tình trạng kinh nguyệt thất thường ở tuổi dậy thì. Cơ chế nội tiết của bạn đang bận thực tập cho một trọng trách đấy!
Liên quan: Chu kỳ kinh nguyệt: Điệu nhảy của những hormone
Thế nào là kinh nguyệt khoẻ mạnh ở tuổi dậy thì?
Các hiện tượng kinh nguyệt như dưới đây là khoẻ mạnh và phổ biến trong hai năm đầu tiên hành kinh:
- Chu kỳ kéo dài trong khoảng từ 21-45 ngày. Thỉnh thoảng có thể ngắn hơn hoặc dài hơn
- Kỳ kinh có thể dài hơn hoặc ngắn hơn 7 ngày
- Trong kỳ kinh, mỗi ngày bạn sử dụng từ 3-5 băng vệ sinh. Nếu bạn dùng cốc nguyệt san thì nó tương đương với 5-30ml trong cốc.
- Đau bụng dưới và/hoặc đau lưng dưới, vào trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt.
Khi nào cần đi khám bác sĩ về kinh nguyệt ở tuổi dậy thì?
Trong khoảng từ 13-15 tuổi, bạn nên đi khám bác sĩ sản – phụ khoa lần đầu. Khám phụ khoa là việc quan trọng cho sức khoẻ tổng thể của bạn, không có gì đáng xấu hổ hay ngại ngùng. Bạn cũng sẽ cần thời gian để xây dựng mối quan hệ với bác sĩ. Vì vậy hãy shop around trước khi quyết định gắn bó với một bác sĩ nhất định.
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ sản – phụ khoa nếu bạn gặp một trong các tình trạng dưới đây:
- Chu kỳ có độ dài nằm bên ngoài khoảng 21-45 ngày trong một thời gian dài (hoặc 24-38 ngày nếu bạn đã hành kinh được vài năm)
- Đã có kinh đều đặn ít nhất 6 tháng, nhưng sau đó kinh nguyệt trở nên rất thất thường
- Không có kinh trong hơn 90 ngày
- Tới 15 tuổi chưa có kinh
- Có lông mọc trên mặt, lông mọc bất thường trên cơ thể, hoặc tóc thưa đi từ khi dậy thì
- Đau bụng kinh dữ dội, thuốc giảm đau không có tác dụng
Vì sao nên theo dõi kinh nguyệt ở tuổi dậy thì?
Kinh nguyệt cho bạn biết mọi thứ có đang hoạt động bình thường hay không. Kỳ kinh quá thất thường không thể dự đoán trước có thể là dấu hiệu bề mặt của tình trạng nội tiết tố bất thường.
Ở tuổi teen, phổ biến nhất là các tình trạng nội tiết tố bất thường như: buồng trứng đa nang (PCOS) và lạc nội mạc tử cung (endometriosis). Chung sống với chúng không hề dễ chịu và có nhiều hệ quả đối với chức năng sinh sản. Chúng cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt.
Theo khuyến nghị của Hiệp hội Bác sĩ Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), kinh nguyệt nên được xem là sinh tố thứ 5. Một sinh tố là một dấu hiệu thiết yếu của sự sống. Điều đó nghĩa là kinh nguyệt có mức độ quan trọng ngang bằng với nhiệt độ cơ thể, cân nặng, nhịp tim và huyết áp của bạn trong việc chẩn đoán tình trạng sức khoẻ.
Nhìn vào dữ liệu về kinh nguyệt mà bạn theo dõi trong một thời gian dài, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác hơn cho bạn. Bởi mỗi cơ thể, mỗi chu kỳ kinh nguyệt là độc nhất.
Vì vậy, tuổi dậy thì là thời điểm tốt nhất để bạn bắt đầu theo dõi chu kỳ kinh nguyệt. Hãy xem hướng dẫn theo dõi chu kỳ trong bài viết tiếp theo của chúng mình nhé!
Liên quan: Làm sao để theo dõi chu kỳ kinh nguyệt? Và những điều nó dạy ta về sức khoẻ.