Các nghi lễ kinh nguyệt vòng quanh thế giới cho ta thấy thái độ tích cực đáng kinh ngạc đối với kinh nguyệt và tính nữ, đồng thời dạy chúng ta cách chăm sóc bản thân mỗi khi tới kỳ kinh.

Kinh nguyệt & Tâm linh | Nghi lễ kinh nguyệt vòng quanh thế giới

Cùng chúng mình du hành vào thế giới của kinh nguyệt và tâm linh –– và hé lộ một bài học bất ngờ về thái độ liên quan đến kinh nguyệt.

Người Việt Nam quan niệm thế nào về kinh nguyệt?

Việt Nam là nước hậu thuộc địa, chịu ảnh hưởng của nhiều dòng tư tưởng. Thái độ về kinh nguyệt vì thế cũng là giao của nhiều văn hoá.

Trong Đông Y, kinh nguyệt thất thường là dấu hiệu của rối loạn cân bằng âm dương. Máu kinh là chất bẩn cần mà cơ thể cần đào thải để lấy lại cân bằng. Kinh nguyệt không được chú ý nhiều trừ khi nó bị rối loạn.

Một số tín ngưỡng nhánh của Phật giáo cho rằng người nữ khi có kinh cần phải kiêng cữ, bị cấm cửa khỏi nơi tôn kính. Họ cũng tránh thờ cúng, thắp hương tại nhà trong tuần kinh. Kinh nguyệt, đối với họ, dơ bẩn về mặt tâm linh. Hoặc nó làm cho người nữ lúc này không sạch sẽ. Một giả thuyết là: vào thời mà người ta còn lấy nước sông, suối, giếng để đun trà dâng các bậc thánh hiền, phụ nữ có kinh nếu giặt giũ áo quần sẽ làm bẩn nguồn nước. Máu kinh bị xem là bẩn cũng tương tự như sản dịch sau sinh. Bằng chứng là có nhiều tục kiêng cữ và niềm tin mê tín về phụ nữ hậu sản giống với phụ nữ hành kinh.

Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng từ Pháp thời kỳ thuộc địa. Người Pháp cởi mở về tình dục hơn, đồng thời kiến thức y học phát triển giúp họ sớm hiểu vai trò của kinh nguyệt trong cơ chế sinh sản. Đối với họ, kinh nguyệt đơn giản là sự kiện phiền toái, khó chịu làm gián đoạn cuộc sống. Người Pháp thời đó có câu: “The English have landed” để than phiền khi đến kỳ. Họ thà tránh chúng đi thì hơn.

Nhưng đợi đã, kinh nguyệt có thật sự bẩn không? Chúng ta có nên chào đón kỳ kinh nguyệt đầu tiên bằng sự im lặng và thái độ cam chịu? Thái độ đó dạy cho những cô bé mới lớn điều gì về việc làm phụ nữ?

Trở thành thiếu nữ

Các nền văn hoá cổ xưa, hoá ra, lại có cái nhìn cởi mở đáng kinh ngạc về kinh nguyệt. Họ tổ chức những nghi lễ chuyển tiếp trọng đại ăn mừng kỳ kinh nguyệt đầu tiên, đánh dấu sự thay đổi vị trí xã hội của người nữ. Khi hoàn thành nghi lễ, một bé gái trở thành thiếu nữ – giai đoạn sau dậy thì và trước hôn nhân. Không chỉ kỳ kinh nguyệt đầu tiên mà những kỳ kinh tiếp theo đó, mỗi tháng một lần, cũng được chào đón với niềm tôn kính bằng các nghi lễ đặc biệt.

Nghi lễ kinh nguyệt là dịp để:

  • Ăn mừng & kết nối
  • Thanh lọc & thanh tẩy
  • Truyền kiến thức
  • Chuyển hoá & đánh dấu
  • Truyền sức mạnh
  • Quán chiếu & nội tâm

Mặc dù các nghi lễ thực hành nhân danh kỳ kinh nguyệt và tính nữ đang dần mai một, chúng cho ta thấy thái độ tích cực đáng ngạc nhiên, trái ngược với ngày nay.

Nghi lễ Mặt trời mọc (Mexico & Mỹ)

Ngày 4/7 hàng năm, người Apache, một nhóm các bộ tộc người Mỹ bản địa, nô nức tham gia Nghi lễ Mặt trời mọc dành cho những người phụ nữ tương lai của cộng đồng. Bắt đầu từ bình minh, hướng về phía mặt trời, mỗi cô bé vừa bắt đầu hành kinh sẽ nhảy theo nhịp nhạc của hàng trăm bài hát, liên tục vòng 4 ngày. Thật tốn sức làm sao! Nghi lễ trưởng thành của người Apache không chỉ là hình thức. Nó còn là bài kiểm tra sức mạnh, sự bền bỉ và nhân cách – sẽ chuẩn bị cô bé cho cuộc đời làm phụ nữ.

Gần cuối buổi lễ, cô bé được mọi người đắp lên khắp mình đất sét thiêng. Khi đất sét khô lại, cô bé trông như bức tượng nữ thần. Trong phút chốc, cô bé trở thành Changing Woman – biểu tượng đệ nhất phu nhân, người mẹ của cả bộ tộc. Lúc này, cô bé có sức mạnh chữa lành và ban phát may mắn cho khách tham gia, bao gồm bạn bè, họ hàng và những ai chỉ đến để party. Mọi người cùng tắm đẫm trong âm nhạc, những lời chúc tụng và đồ ăn thịnh soạn. Cô bé trở thành phụ nữ trong sự công nhận, tình yêu và sự động viên từ cả gia đình và cộng đồng.

Cơm đậu đỏ sekihan (Nhật Bản)

Vào ngày con gái có kỳ kinh đầu tiên, những người mẹ Nhật Bản sẽ nấu cơm sekihan từ gạo nếp và đậu đỏ. Màu đỏ hồng rất đẹp của cơm sekihan không liên quan tới màu máu kinh. Nó được xem là màu của may mắn, nên người Nhật thường ăn cơm đậu đỏ vào những dịp vui trong năm. Nấu cơm seikihan là cách người mẹ kín đáo chúc mừng con gái trở thành thiếu nữ, cho dù những thành viên khác trong gia đình có ngầm hiểu ý hay không. Truyền thống tối giản, tinh tế này đáng tiếc là cũng đang dần mai một.

Tấm saree đầu tiên (Ấn Độ)

Ritu Kala Samskaram là lễ ăn mừng tuổi dậy thì của con gái ở Nam Ấn Độ. Nó vừa đánh dấu sự chuyển tiếp từ tuổi thơ sang thiếu nữ, vừa là dịp để phụ nữ lớn tuổi truyền kiến thức về kinh nguyệt cho cô bé mới lớn. Ngày nay, nó là dịp gia đình tặng cho cô bé tấm áo half-saree đầu tiên, mà cô sẽ mặc vào các dịp lễ lạt trọng đại khi còn là thiếu nữ. Cô sẽ chỉ mặc full saree khi trở thành cô dâu.

Khi bắt đầu hành kinh, cô rút khỏi các công việc trong nhà, ở trong một căn phòng và tránh gặp đàn ông. Tới ngày thứ 5 cùa kỳ kinh, phụ nữ họ hàng đến thăm, căn dặn cô bé rằng máu kinh không làm vấy bẩn cô, mà là thứ máu linh thiêng đưa cô lên ngang hàng với các đấng nữ thần. Cô mặc tấm áo langa voni mới, ngồi giữa những món quà, một con búp bê, với đồ ăn thịnh soạn bày xung quanh. Cô ban phúc lành cho đồ ăn trước khi cả gia đình và thực khách cùng thưởng thức. Người cậu bên ngoại của cô tặng cho cô tấm half saree. Cô sẽ thay áo và mặc nó cho đến hết buổi lễ: hành động thay áo đánh dấu sự chuyển mình thành phụ nữ.

Tuần lễ linh thiêng (Người Yurok, Mỹ)

Nhiều truyền thống trên thế giới gắn kinh nguyệt với sự cô lập, xa lánh và nỗi xấu hổ. Nhưng với người Yurok, một tộc người da đỏ bản địa Mỹ ngày nay còn sống ở tây bắc California, kỳ kinh nguyệt được xem là khoảng thời gian riêng tư của sức mạnh chữa lành.

Khi tuần kinh đến, người phụ nữ Yurok sẽ đình công 10 ngày, không động tay vào việc nhà hay bếp núc. Cô ấy đang ở “tuần Trăng”, là đỉnh cao của sức mạnh tính nữ, khoảng thời gian không nên lãng phí vào những phận sự vô nghĩa hay những vướng bận về người khác giới. Thay vào đó, cô ấy nên hướng toàn bộ sự tập trung vào trong, cảm nhận những rung động vi tế của tâm hồn và thân thể, thiền, và đi tìm mục đích sống.

Người Yurok coi Mặt Trăng là “người chồng lớn nhất của phụ nữ”. Ngày xa xưa, những phụ nữ hành kinh còn có tục tắm cùng nhau dưới hồ trong ánh trăng thiêng. Người ta cũng tin rằng phụ nữ thời săn bắt-hái lượm đồng bộ hoá kỳ kinh với chu kỳ Mặt Trăng. Nếu một cô gái bị trật nhịp, cô ấy sẽ ngồi một mình để trò chuyện với Mặt Trăng, cầu xin Mặt Trăng giúp cô lấy lại sự cân bằng. Trong mỗi bản làng, có một căn lều lớn nhất, được trang hoàng đẹp đẽ gọi là “túp lều kinh nguyệt” dành cho con gái hành kinh, phụ nữ có thai, và các bà mẹ mang con nhỏ đến. Những căn lều luôn ngập tràn tiếng cười lẫn tiếng hát. Đàn ông không ai dám bén mảng đến gần vì sợ làm thần linh nổi giận và tước đi vận may săn bắn của anh ta.

Người Yurok cho rằng máu kinh là thứ linh thiêng chứ không ô uế. Phụ nữ hành kinh có kết nối trực tiếp với Mặt Trăng, có đặc quyền đi vào thế giới tâm linh, và được thần linh bảo vệ. Trong xã hội săn bắt-hái lượm, những túp lều kinh nguyệt được dựng lên không phải để cản trở sự tự do của phụ nữ. Ngược lại, chúng giúp họ nhẹ bớt gánh nặng công việc nhà, cho phép họ nghỉ ngơi, kết nối với phụ nữ trong cộng đồng, và bảo vệ họ trước áp lực quan hệ tình dục từ đàn ông.

Những nghi lễ kinh nguyệt cổ xưa dạy cho ta bài học gì?

Ngày nay, những kiêng kỵ kinh nguyệt có vẻ như rất tiêu cực và đầy định kiến với phụ nữ. Chúng ta đôi khi tuân theo chúng chỉ vì “có kiêng có lành” mà hầu như không giải thích được thoả đáng nguồn gốc của chúng. Điều đáng ngạc nhiên là chúng xuất phát từ những nghi lễ thực hành có tinh thần tốt đẹp, với chức năng bảo vệ phụ nữ và ăn mừng tính nữ.

Một giả thuyết khả dĩ là từ khi xã hội nguyên thuỷ chuyển từ săn bắt – hái lượm sang xã hội nông nghiệp, chúng ta sống trong thế giới của chế độ tư hữu – phụ quyền. Dưới lăng kính cho rằng phụ nữ là tài sản của một hộ gia đình, khả năng sinh sản của họ cũng trở thành vật sở hữu. Các truyền thống kinh nguyệt giờ đây bị sử dụng để kiểm soát đời sống và tự do tình dục của họ. Khi phụ nữ cảm thấy khả năng sinh sản của họ là lời nguyền thay vì là siêu năng lực, ý tưởng về sự tự chủ đối với thân thể bị xé rời khỏi thế giới quan của họ.

Các nền văn hoá xa xưa đã cảm nhận được sự thay đổi tinh tế trong năng lượng của người phụ nữ xuyên suốt một chu kỳ. Tương ứng với bốn giai đoạn của vòng kinh là những hoạt động giúp chúng ta tối ưu hoá sức mạnh của nội tiết tố. Và mỗi kỳ kinh là cơ hội để tái thiết lập nguồn năng lượng, chuẩn bị cho một chu kỳ mới. Hãy hình dung những cô gái của tương lai sẽ cảm thấy được trao quyền đến thế nào nếu mọi người vẫn giữ thái độ tích cực như thế về kinh nguyệt.

Nghi lễ của riêng bạn

Nghi lễ là một hình thức đánh dấu thời gian. Nếu hình dung thời gian tuyến tính dài đằng đẵng của đời người như căn nhà trống, thì những nghi lễ giống như những thứ đồ đạc, kỷ vật đặt trong căn nhà. Chúng làm cho căn nhà có thể sống được. Chúng làm cho không gian trống rỗng trở thành không gian an toàn, thân thiện để nghỉ ngơi, để tạm lánh khỏi những sóng gió bên ngoài. Những nghi lễ làm cho thế giới bao la trở thành nhà.

Ngày nay không còn những nghi lễ cộng đồng giúp ta đón nhận bản dạng phụ nữ nữa. Nhưng trong góc nhỏ của thế giới mang tên riêng mình ta, chúng ta vẫn có thể dành sự tôn kính cho tính nữ chảy trôi qua thân thể mình. Tôi tin rằng thiết lập nghi lễ kinh nguyệt của riêng mình là hành động phản kháng tối thượng.

Và đây là một vài gợi ý của tôi cho mỗi kỳ kinh:

  • Dành thời gian thực hành lòng biết ơn với những gì bạn đã làm được trong tháng vừa qua
  • Tắm nước nóng thật lâu (cũng là cách tốt nhất để giảm đau bụng kinh!)
  • Nghỉ ngơi tuyệt đối, ngủ thật sâu
  • Buông bỏ những áp lực của thế giới bên ngoài
  • Kết nối với những người phụ nữ trong vòng thân cận
  • Vạch ra ranh giới rõ ràng cho cách mọi người đối xử với bạn
  • Nhảy múa, hát, duỗi người, vận động
  • Ăn đồ ăn bổ dưỡng
  • Mặc những bộ đồ đẹp nhất thay vì những bộ “an toàn”
  • Hoặc ngược lại, mặc những bộ thoải mái nhất và chẳng quan tâm ai sẽ nghĩ gì
  • Thiền, viết lách, trò chuyện với bản thân
  • Lên kế hoạch cho một chu kỳ mới
  • Cảm nhận những tiềm năng trong bạn như hạt mầm sẽ nảy nở sau tuần lễ ngủ đông

Còn bạn? Ý tưởng của bạn về nghi lễ kinh nguyệt cá nhân là gì? Nếu bạn có con gái, bạn sẽ giúp cô bé ăn mừng kỳ kinh nguyệt đầu tiên bằng cách nào?

© 2023 UrbanChick. All Rights Reserved.

Back to blog

Leave a comment

Please note, comments need to be approved before they are published.