Vệ sinh cốc nguyệt san rất đơn giản và không cần dụng cụ đặc biệt nào

Vệ sinh & Bảo quản Cốc nguyệt san

Trong cuộc sống bận rộn, việc chăm sóc kinh nguyệt càng đơn giản, càng thoải mái càng tốt. Có thể bạn đã quen với việc bỏ băng vệ sinh và tampon đi sau mỗi khi sử dụng. Vệ sinh cốc nguyệt san không phức tạp hơn thế đâu.

Chỉ với 5 phút vệ sinh đúng cách, một chiếc Cocmau sẽ ở bên bạn tới 10 năm. Hãy làm theo 3 bước đơn giản dưới đây cho kỳ kinh nguyệt khoẻ mạnh và thân thiện với môi trường nhé.

Vệ sinh cốc nguyệt san trong kỳ kinh

Mỗi khi tháo cốc, hãy rửa Cocmau bằng nước lạnh và dung dịch vệ sinh phụ nữ mà bạn sử dụng hàng ngày. Trong kỳ kinh, bạn không cần phải khử trùng hay luộc cốc giữa các lần đeo cốc.

Nước lạnh giúp hạn chế màu hoặc mùi kinh nguyệt bám lại trên cốc. Hãy dùng dung dịch vệ sinh dịu nhẹ, tránh xà bông có nhiều hương liệu mùi vì chúng có thể biến đổi độ pH âm đạo của bạn. Nếu đang ở nhà vệ sinh công cộng và không đem theo dung dịch vệ sinh, bạn chỉ cần xả cốc bằng nước lạnh, lau bằng khăn ướt, hoặc đơn giản là đổ kinh nguyệt đi rồi đeo cốc lại.

Hãy đảm bảo lỗ thoáng khí của cốc luôn thông thoáng. Một cách thú vị để vệ sinh lỗ thoáng khí: bạn đổ đầy nước đến miệng cốc, dùng lòng bàn tay úp kín, lật ngược lại, rồi bóp cho nước phun qua lỗ thoáng khí, đẩy cặn kinh nguyệt có thể bít kín các lỗ ra ngoài.

Khử trùng cốc mỗi tháng một lần

Sau khi xả sạch bằng nước lạnh, hãy khử trùng cốc bằng cách trụng cốc trong nước sôi 3-5 phút. Bạn có thể làm việc này vào đầu hoặc cuối kỳ kinh, nhưng chỉ cần một lần mỗi tháng.

Hãy chú ý sao cho cốc không chạm đáy nồi khi khử trùng, vì silicone có thể nóng chảy ở nhiệt độ 223 độ C. Để tránh tai nạn đun chảy cốc, bạn chỉ cần cho cốc vào trong cây đánh trứng kim loại. Cocmau có chiếc cuống tròn tiện dụng, nên bạn còn có thể xuyên chiếc đũa qua cuống để giữ cho cốc nổi lên.

Bảo quản cốc trong túi tránh bụi, thoáng khí

Khi kỳ kinh kết thúc, khử trùng và để cốc khô ráo, rồi cất vào trong túi đựng để cốc sẵn sàng cho kỳ kinh tiếp theo. Cocmau đi kèm túi đựng cotton riêng, làm từ nguyên liệu organic, không chất tẩy, thoáng khí. Hãy tránh các hộp đựng bí khí vì chúng có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Các nguyên liệu tự nhiên như cotton là lý tưởng nhất.

Các lưu ý khác

Tránh dung dịch có tính tẩy rửa mạnh, nhiều thành phần xà bông

m đạo của bạn có khả năng tự làm sạch, nhưng rất nhạy cảm với các chất tẩy rửa quá mạnh. Xà bông gốc dầu, xà bông chứa nhiều hương liệu mùi, nước rửa bát, baking soda, dấm, cồn, chất tẩy – hãy tránh chúng ra nhé! Quy luật để bạn dễ nhớ là: nếu dung dịch tẩy rửa đủ dịu nhẹ cho âm đạo của bạn, bạn có thể dùng cho Cocmau.

Cốc nguyệt san ngả màu không có nghĩa là bạn cần thay cốc mới

Sau một thời gian sử dụng, nếu kinh nguyệt của bạn giàu sắt, kinh nguyệt có thể để lại cặn màu trên cốc. Việc này là hoàn toàn bình thường và không có gì đáng lo. Nếu bạn muốn cốc trở lại như mới, bạn có thể pha dung dịch với tỉ lệ 1 nước : 1 oxy già, ngâm cốc trong 3 giờ, rồi xả sạch lại với nước. Nếu không có oxy già, hãy thay thế bằng nước cốt chanh.

Đeo cốc lâu hơn 12 giờ có sao không?

Lý do bạn cần tháo cốc sau tối đa 12 giờ sử dụng là để hạn chế khả năng gặp hội chứng TSS, dù tình trạng này rất hiếm (xác suất TSS xảy ra thấp hơn việc bạn bị sét đánh!). Đôi khi, các bạn người dùng cốc để quên cốc hơn 12 giờ và không có gì xảy ra – ngoài việc chiếc cốc giờ đã bám mùi kinh nguyệt. Bạn chỉ cần rửa sạch cốc, phơi ở nơi thông thoáng (có ánh nắng càng tốt) trong vài giờ. Sau khi bạn khử trùng, mùi kinh nguyệt sẽ dần biến mất.

Nếu mình làm rơi cốc vào bồn cầu?

Bạn sẽ không cần phải thay cốc mới đâu! Sau khi câu chiếc cốc ra khỏi toilet, hãy rửa sạch cốc và khử trùng trong nồi nước sôi. Chắc chắn là không còn vi khuẩn nào có thể sống sót sau 5-10 phút khử trùng, vì vậy bạn có thể yên tâm tiếp tục sử dụng cốc.

Vậy khi nào cần mua cốc nguyệt san mới?

Nếu thấy cốc của bạn có dấu hiệu hư hại, chẳng hạn như bị rách, nứt, hoặc có cảm giác dính trên bề mặt, đã đến lúc thay thế bằng chiếc cốc mới.

Back to blog

Leave a comment

Please note, comments need to be approved before they are published.